Cách ẩm và hút ẩm
- Ở phạm vi nhà xưởng, kho hàng, độ ẩm tạo ra thường do sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài phòng lạnh và phòng kết đông. Áp suất riêng phần của hơi nước trong không khí phụ thuộc vào nhiệt độ và độ ẩm tương đối. Do sự chênh lệch áp suất, hơi nước từ không khí bên ngoài có xu hướng khuếch tán qua kết cấu xây dựng và các lớp cách nhiệt vào phòng lạnh. Khi vào đến lớp cách nhiệt, chúng đạt đến điểm đọng sương, ngưng tụ lại, thậm chí đóng băng làm mất khả năng cách nhiệt, gây ẩm mốc, thối rữa, phá hủy vật liệu cách nhiệt, tiêu tốn năng lượng và tăng giá vận hành.
- Để giải quyết tình trạng này, các nhà chuyên môn về điện lạnh đưa ra giải pháp như sau: nếu tính từ phía ngoài vào thì lớp cách ẩm phải ở ngoài cùng, sau đó mới đến lớp cách nhiệt. Nếu có nhiều lớp cách nhiệt dán chồng lên nhau thì cũng chỉ bố trí một lớp cách ẩm đủ dày ở phía ngoài cùng. Lớp cách ẩm không cần dày (2,5 - 3 mm) nhưng phải liên tục, không nên đứt quãng hoặc tạo ra các vết nứt để làm cầu cho ẩm thấp vào phòng. Không được bố trí bất kỳ một lớp cách ẩm nào phía trong lớp cách nhiệt. Lớp vữa trát xi măng trong cùng phải có độ xốp, có khả năng dẫn ẩm lớn để hơi nước còn đọng trong vách cách nhiệt thoát vào buồng lạnh dễ dàng hơn.
- Vật liệu cách ẩm hiện nay chủ yếu là bitum. Người ta quét bitum nóng chảy lên bề mặt vài lớp để có độ dày từ 1 - 5 mm. Bitum kỹ thuật nóng chảy ở nhiệt độ 90 độ C vì vậy phải đốt nóng lên 160 - 170 độ C và giữ ở nhiệt độ đó trong khi thao tác phun, phủ hoặc quét lên tường. Có thể tạo nhũ tương bitum - nước trong thùng quay (50% bitum, 48% nước, 2% phụ gia như xà phòng, đất sét) phun lên tường. Nước bay hơi để lại một lớp bitum đều đặn, sau khi quét bitum người ta dán lên một lớp giấy dầu.
- Khi tình trạng ẩm xảy ra, có thể dùng các chất hút ẩm chuyên dụng có bán trên thị trường để xử lý. Zeolit có công thức hóa học Na12(AlO2)12(SiO2)12 khả năng hấp thụ ẩm rất tốt và chịu ảnh hưởng của nhiệt độ, được dùng trong hệ thống lạnh freon. Khả năng hấp thu ẩm của nó gấp 5 lần SiO2. Các phin sấy đặt ngay cạnh máy nén hay bình chứa cao áp mà không sợ nhiệt độ cao. SiO2 là chất rắn hấp phụ ẩm dùng cho hệ thống lạnh freon; khả năng hấp phụ ẩm giảm khi nhiệt độ tăng từ 40 - 50 độ C, vì thế không bố trí phin lọc gần máy nén hoặc ở nơi có nhiệt độ cao. Ngoài ra, hiện nay người ta đang nghiên cứu đất sét hoạt tính để làm chất hút ẩm.
Chống ẩm cho đồ dùng trong nhà
- Không gian trong nhà bị mưa tạt, tường thấm gây ẩm thấp có ảnh hưởng nhiều đến chất lượng hoạt động của các đồ dùng, nhất là đồ điện, điện tử. Hiện trên thị trường có một số loại thiết bị hút ẩm, phổ biến nhất là tủ hút ẩm. Đây là loại tủ sử dụng điện 220 - 240 V, có thể tích từ 20 - 500 lít do Đài Loan và Trung Quốc sản xuất. Giá thành của loại tủ này tương đối cao (từ 100 - 2.500 USD). Thiết bị này có ưu điểm lớn là luôn giữ được độ ẩm ổn định trong tủ, rất thích hợp cho bảo quản đồ điện tử.
- Tủ hút ẩm dạng này có thiết bị sấy tự động ở bên trong theo nguyên lý van đóng mở 2 chiều. Khi bật điện thì bộ phận làm khô sẽ đóng 2 van thông với bên trong tủ, tạm thời không cho không khí trong tủ vào bộ phận làm khô. Đồng thời các van này cũng mở cửa thông giữa bộ phận làm khô và bên ngoài để đẩy không khí ẩm ra ngoài. Không khí ẩm trong bộ phận làm khô được đẩy ra ngoài bởi những hạt chống ẩm (làm bằng hóa chất đặc biệt an toàn cho nguồn điện) được sấy khô. Sau khi những hạt chống ẩm đã khô, hai van đổi chiều của bộ phận làm khô sẽ mở thông với bên trong tủ và đóng kín với bên ngoài. Không khí ẩm trong tủ sẽ được hấp thụ bởi các hạt chống ẩm. Toàn bộ quá trình được điều khiển tự động bởi bộ nhớ và IC thời gian...